Cập nhật lúc 06:07, 19/02/2013
Trung Quốc có bước qua được ’lời nguyền’ Nhật Bản?
(ĐVO)
- Trên thế giới không hiếm các quốc gia răn đe, đe dọa lẫn nhau, bằng
các cuộc tập trận, khoe khoang vũ khí hay các tuyên bố hiếu chiến… nhưng
với Nhật Bản thì kiểu răn đe của họ xem ra rất tế nhị mà cực kỳ nghiêm
khắc.
Và nếu sự răn đe của Nhật Bản hữu hiệu thì đây là lần thứ 3, Nhật Bản phá tan giấc mơ bá chủ của Trung Quốc.
Bất kỳ thuyền trưởng Hải quân nào của
bất kỳ quốc gia nào khi con tàu của mình đang tiếp cận tàu chiến của
quốc gia được coi là “đối tượng tác chiến trực tiếp” trong một diễn biến
căng thẳng đều phát mệnh lệnh: Toàn tàu chuẩn bị chiến đấu!.
Nhật Bản đã lên tiếng cáo buộc, một tàu
khu trục nhỏ của Hải quân Trung Quốc đã chĩa radar hướng dẫn tên lửa
ngắm bắn mục tiêu vào một trực thăng quân sự của Lực lượng Phòng vệ Hàng
hải Nhật Bản hôm 19/1 và tiếp đó là vào tàu khu trục Yudachi của hải
quân Nhật hôm 30/1.
Tình hình vốn đã căng thẳng đang được
Nhật Bản đẩy lên cao bởi phát hiện của mình và yêu cầu Trung Quốc phải
“xin lỗi” Nhật vụ này. Nhật cho rằng Trung quốc đang đe dọa sử dụng vũ
lực…
Trung Quốc có nhiều giải thích với Nhật
Bản và dư luận thế giới về sự kiện này, nhưng, lời giải thích của Bộ
ngoại giao Trung Quốc là thật thà, chính xác nhất: “Ngắm bắn là việc của
Hải quân Trung Quốc”, “Nhật Bản chuyện bé xé ra to để bôi nhọ Trung
Quốc”.
Tàu chiến Trung Quốc trên biển Hoa Đông |
Đúng vậy, trong tình huống cả 2 bên đang
“vờn nhau” quá gần, chưa đầy 2 hải lý (và thậm chí dù chỉ mới đi vào
khu vực xảy ra tranh chấp) thì làm gì có chuyện tàu khu trục Trung Quốc
và Nhật Bản “phủ bạt” lên pháo và tên lửa của mình.
Đương nhiên, “ấn nút” hay không là phải
được lệnh của cấp trên, nhưng thuyền trưởng cùng kíp thủy thủ và toàn bộ
mọi phương tiện, trang bị chiến đấu trên con tàu của cả 2 bên đều phải
chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất. Đó là thuộc vào “Điều lệnh
tác chiến của Hải quân” nói chung và các quốc gia nói riêng tuy có khác
nhau nhưng điều đó thì không thể khác.
Vậy, tại sao Trung Quốc không lấy câu
trả lời của bộ ngoại giao “chuẩn không cần chỉnh” mà lại lập trường
không dứt khoát, lúc thì do tàu Nhật Bản đi vào vùng ngắm bắn, rồi thì
cuối cùng chối bay chối biến?
Có lẽ việc Nhật Bản “kêu toáng” lên, lúc
đầu, khiến Trung Quốc hỷ hả, tận hưởng sự thích thú cái cảm giác của
một kẻ rút súng chĩa vào đầu người khác, cho nên, Trung Quốc cứ lấp lửng
để cho dư luận quốc tế mà đặc biệt là cho nhân dân Trung Hoa muốn hiểu
có hay không có việc “ngắm bắn” thì tùy, đồng thời cũng muốn tạo ra một
hình ảnh “giết gà” khiến “con khỉ” phải sợ.
Rất tiếc là mọi chuyện không phải như Trung Quốc tưởng. Nhật Bản có kiểu hành xử khác Mỹ.
Nếu như chiếc tàu ngầm tấn công chạy
động cơ diesel lớp Song của Trung Quốc đã bám sát chiếc Kitty Hawk đang
thao diễn gần đảo Okinawa rồi trồi lên chỉ trong khoảng cách 5 hải lý
“vẫy tay chào” và tưởng rằng cả hệ thống phòng thủ đắt tiền, hiện đại
của Mỹ bảo vệ cho Kitty Hawk gồm 2 tàu ngầm bên dưới không phát hiện
được.
Mỹ “không phát hiện được” không phải vì
Mỹ không sẵn sàng chiến đấu mà chỉ là tàu ngầm Trung Quốc không biết
mình bị “ngắm bắn” mà thôi.
Tàu chiến Trung Quốc tập trận trên biển Hoa Đông |
Nhật Bản và Trung Quốc vì ở trong một bối cảnh khác xa Mỹ với Trung Quốc nên Nhật Bản tố cáo nhưng không phải vì sợ, vì hoảng hốt (3 ngày sau khi xảy ra, Nhật Bản mới lên tiếng). Nhật Bản tố cáo để “bôi nhọ Trung Quốc” (như Bộ Ngoại giao Trung Quốc tố ngược lại Nhật Bản), đặc biệt là để cho nhân dân Nhật Bản biết Trung Quốc đã, đang đe dọa sử dụng vũ lực với Nhật Bản.
Việc Trung Quốc đang có hành động “đe
dọa sử dụng vũ lực” với Nhật Bản thì chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe
không những thành lập Hội đồng an ninh quốc gia, sử dụng máy bay MV-22
“Osprey”… mà ngay cả thay đổi Hiến pháp hòa bình cũng gặp rất nhiều
thuận lợi sắp tới. Trung Quốc chỉ có thể làm cho Nhật Bản “hung hăng”
thêm mà thôi.
Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả, tố
cáo Trung Quốc “ngắm bắn” mình nhưng Nhật Bản đã làm cho Trung Quốc hay
chính xác ra là giới quân sự Trung Quốc “toát mồ hôi lạnh”.
Tại sao Nhật Bản lại biết Trung Quốc
“ngắm bắn” mình để tố cáo mà Trung Quốc lại không tố lại Nhật Bản trong
khi chắc chắn là tàu khu trục của Nhật Bản cũng “chuẩn bị chiến đấu với
mức độ cao nhất”, nghĩa là cũng “ngắm bắn” lại tàu khu trục của Trung
Quốc?
Rõ ràng Nhật Bản biết Trung Quốc “ngắm
bắn” mình qua tín hiệu chứ không phải là qua dấu hiệu. Chưa biết khoảng
cách từ tàu khu trục Trung Quốc đến máy bay trực thăng Nhật Bản là bao
nhiêu nhưng khoảng cách đến tàu khu trục Yudachi là chưa đầy 2 hải lý,
khi Trung Quốc bật radar hỏa lực dẫn bắn là bị phát hiện.
Nhật Bản đã không úp mở cho rằng: “Tàu
Yudachi đã bắt được sóng điện tử cao tần và các xung tín hiệu sử dụng
radar điều khiển hỏa lực trên tàu Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã
phân tích kỹ các thông số và khẳng định, đó hoàn toàn là radar hỏa lực
chứ không phải radar thông thường như biện giải của Bắc Kinh”. Họ sẽ
công bố một phần vì “bí mật an ninh quốc gia”.
Và đây là 2 vấn đề mà giới quân sự Trung Quốc phải làm rõ chứ không thể “phởn chí” như dân chúng của họ được.
Thứ nhất, tại sao Trung Quốc không biết
được Nhật Bản cũng “ngắm bắn” mình? Nếu cho rằng tàu khu trục Yudachi
của Nhật Bản sợ quá không dám hành động thì “con khỉ” Mỹ thần phục Trung
Quốc chỉ trong nay mai thì quá là hoang tưởng.
Thứ hai là, khả năng phát hiện sự “ngắm bắn” của Nhật Bản ở khoảng cách bao nhiêu?
Vấn đề thứ nhất thì Trung Quốc đã phải
nên tự nhận rằng nền công nghệ, kỹ thuật cao của mình đang còn đi sau
Nhật Bản xa lắm. Người Trung Hoa có câu: “Chưa gặp quan tài chưa rơi lệ”
nên đừng chủ quan về khả năng áp chế điện tử của Nhật Bản. Có một “cái
gì đó” trang bị trên máy bay, tàu chiến Nhật Bản thuộc diện “bí mật quốc
gia” mà khi radar hỏa lực của tàu chiến Trung Quốc bật lên là bị phát
hiện liền.
Vấn đề thứ hai nếu không trả lời được
thì có nghĩa tất cả các radar dẫn bắn trên tàu chiến của PLAN sẽ trở
thành “đường dẫn” chính xác cho tên lửa Nhật Bản.
Đặc biệt nguy hiểm là nếu khoảng cách mà
các tàu chiến Nhật Bản phát hiện khi các radar hỏa lực của các tàu tên
lửa Trung Quốc sục sạo mục tiêu mà ngoài tầm hỏa lực thì coi như “Nhật
Bản ở trong tối còn Trung Quốc ở ngoài sáng”, quyền ấn nút đầu tiên là
của Nhật Bản.
Trong chiến tranh hiện đại, trên một khu
vực tác chiến rộng (đại dương chẳng hạn) thì bên nào nhìn xa hơn, vũ
khí chính xác hơn bên đó sẽ có rất nhiều lợi thế.
Đối đầu với Nhật Bản, hải quân Trung
Quốc nếu không biết khả năng áp chế điện tử của Nhật Bản, chưa giải
quyết triệt để 2 vấn đề trên thì không có một ưu thế nào hết nếu như
không muốn nói chỉ là một gã khổng lồ cận thị mà thôi.
Như vậy thực tế ai răn đe ai trong vụ “ngắm bắn” này, Trung Quốc răn đe Nhật Bản hay ngược lại?
Trung Quốc tuyên bố: “Đừng ai coi thường
sức mạnh quân sự Trung quốc” và theo đó chỉ cần 3 tàu khu trục tập trận
thì đã “như một cái tát vào hàng xóm…” (THX), hàng chục cuộc tập trận
mà tên lửa phóng vun vút dậy sóng Biển Đông, biển Hoa Đông…là hành động
gì nếu như không phải là răn đe nhau, đe dọa nhau?
Còn Nhật Bản, một thông điệp cho Trung
Quốc rất nghiêm khắc: Bất kỳ tàu chiến nào của Trung Quốc hễ dùng radar
hỏa lực là Nhật Bản phát hiện tức khắc. Trong chiến tranh hiện đại, đây
chẳng phải là một sự răn đe khủng khiếp hay sao?.
Xem ra Trung Quốc khó có thể bước qua “lời nguyền” Nhật Bản.
Lê Ngọc Thống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét