Trang

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

Đà Nẵng xưa ! Tourane!



Đà Nẵng 1859 -Tranh vẽ của J Minot cho nhãn của thương hiệu chocola nỗi tiếng lúc bấy giờ (Chocolat Lombart) về cuộc kháng chiến của quân dân Đà Nẵng trước sức tấn công của liên quân Pháp - TBN. Tranh vẽ về thành Điện Hải bị bốc cháy trong cơn giao chiến.


Tranh vẽ Đà Nẵng 1860 của Gravure về một chợ tạm của người Pháp và TBN ở vùng tạm chiếm trên bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Chợ tạm được hình thành chỉ trong vòng hơn một năm khi liên quân Pháp -TBN nổ súng tấn công Đà Nẵng vào năm 1858... Qua bức tranh cho thấy những người buôn bán ở chợ này là người châu Âu và một vài người Trung Hoa. Hàng hóa rất ít dường như là khoáng sản, lâm sản quý, ngọc trai...,



Tranh vẽ Đà Nẵng xưa ở bến tàu Courbet với những xe kéo của người bản xứ phục vụ một cặp vợ chồng người Âu. Dưới sông là những chiếc ghe bầu đang cập cầu tàu để buôn bán, bốc dỡ hàng hóa (cầu tàu này là tiền thân của chiếc cầu chữ T trước mặt UBND thành phố hiện nay).



Trên đường Courbet 1912 . Xe chở nước, có lẽ họ lấy nước sạch từ sông Hàn để phân phối cho cư dân lân cận.


Vua Thành Thái vi hành Đà Nẵng bằng tàu Hỏa (người đang dắt một Hoàng tử từ tàu hỏa bước xuống). Bên dưới là những cận thần lo việc bảo vệ. Trông dáng vua có chiều cao rất khiêm tốn (điều nầy phù hợp với sử sách) .



Thuyền của nhà vua đi thăm cửa Hàn



Đà Nẵng, đón rước vua Thành Thái đi kinh lý và thăm một ngôi chùa. Ảnh cho thấy binh lính tất bậc với cờ, kiệu, lọng, dù. Hộ giá đức Vua. Cổng ngôi chùa này giống với chùa An Long (một ngôi chùa cổ, tọa lạc gần cổ viện Chàm- có trong album nầy)



Ga chính của Đà Nẵng xưa, được xây dựng vào năm 1905 trên đường Lagtie (nay là đường Hải Phòng), Gare principale de Tourane - Old



Đường rail hỏa xa và Ga phụ chạy dọc sông Hàn. Tàu hỏa chuyển hàng hóa và khởi hành tại đây. Tàu chạy bằng than, phun khói mù mịt, thỉnh thoảng có kèm theo tro lửa nên dân ta quen gọi "tàu lửa".



"Cảnh mô vui bằng cảnh đất Hàn
Dưới sông tàu chạy, trên đàng hỏa xa"


Tàu lửa từ Đà Nẵng đi Huế. Những nhân viên hỏa xa đang tất bật cho chuyến khởi hành. Thị dân Đà Nẵng phần lớn đi chân đất, nam nữ đều đội nón lá có vành rộng, đi hoặc đứng đều có thói quen chắp tay phía sau!


Hỏa xa ở Đà Nẵng (trên đường Bạch Đằng ngày nay)



Cầu Nam Ô (chủ yếu phục vụ tàu lửa, ô tô chỉ đi "ké")


Cầu Nam Ô, một cây cầu đẹp, không thua gì cầu Tràng Tiền ở Huế. Vùng này có sản phẩm nước mắm và món gỏi cá rất nổi tiếng - Liên Chiểu Đà Nẵng (old photo)



Đường hầm tàu lửa Hải Vân Đà Nẵng - Huế được hoàn thành vào năm 1906 với sức người là chính. Đã có hàng trăm phu phen bỏ mạng khi đường hầm được hoàn thành. Tàu chạy qua đây mỗi ngày chỉ có 2 chuyến nên "Sếp hầm" thả chó đi rông và ngồi chơi luôn ở đây!



Đèo Hải Vân (old) với đường đèo rất hẹp chỉ đủ cho xe lưu thông một chiều nên phải chờ rất lâu. Đường đèo hẹp lại quanh co hiểm trở, không có lan can phòng hộ như bây giờ!



Những công nhân điện tín đầu tiên của Đà Nẵng vào năm 1906. Có tên gọi nôm na là nhà dây thép ! Tiền thân của Bưu điện Đà Nẵng bây giờ! VNPT Đà Nẵng nên tìm con cháu của những người nầy để sử dụng...cũ
ng là cách trả ơn tiền nhân.



Những ngư dân đánh cá đầu tiên ở Đà Nẵng- Những tiền hiền nghề biển của các ngư dân Sơn Trà ngày nay( hữu ngạn sông Hàn ), trông họ rất khỏe mạnh, vạm vỡ và đen nắng. Ảnh chụp cho thấy sinh hoạt, nhà cửa chủ yếu bằng tranh tre, có mái rất thấp để tránh bão tố khắc nghiệt thường xuyên của vùng nầy.



Tòa Thị chính (cũ) - sưu tầm từ bưu thiếp
Tourane - Đà Nẵng xưa qua hình ảnh (tiếp theo)


Quai Courbet ngày xưa nơi có tuyến đường sắt đi Huế



Bến Sông Hàn (Tourane)


Tourane - bến tàu Courbet (đoạn ngả ba Bạch Đằng - Quang Trung bây giờ)


Thương lượng giữa các quan chức bản xứ và thương nhân thuyền buôn nước ngoài. Người ngồi kiệu, lọng che, với râu dài có lẽ tương đương chức Chủ tịch UBND thành phố bây giờ - Tourane 1749 by Charles Fouqueray - (đây có lẽ là bức tranh xưa nhất về Đà Nẵng)


Khách sạn MORIN de Tourane (do anh em nhà Morin) ở Đà Nẵng ngày xưa sáng lập. Nay là Khách sạn Bạch Đằng (Morin có một chuỗi các khách sạn tại Việt Nam gồm Huế - Đà Nẵng và Bà Nà )



Đường Độc Lập 1965. Nơi đây có rạp chiếu phim Kinh Đô.



Bến sông Bạch Đằng 1964



Ngư dân cào nghêu ở bãi biển Thanh Bình 1960



Buổi sớm ở Thọ Quang


Làng Thanh Khê xưa (ven đường xe lửa) Nhà cửa thấp, hầu hết bằng tre, lợp lá hoặc rơm rạ.



Đường Bạch Đằng 1963



100 năm trước Jules Ferry và nay là đường Trần Phú, con đường sầm uất của Đà Nẵng ngày nay. (Tòa nhà lớn là bệnh viện quân đội Pháp)


Trong lịch sử đạo Thiên chúa ở Việt Nam, Đà Nẵng là vùng đất truyền giáo thuộc loại sớm nhất. Hồi đầu, cả thành phố chỉ có một nhà thờ trong khu vực thành Điện Hải do quân Pháp chiếm đóng (ảnh trong album này). Năm 1923 nhà thờ chính tòa mới được xây dựng trên Rue du Mussé. Bức ảnh này cho thấy giáo dân Đà Nẵng đang đón mừng Noel khi chưa có nhà thờ. Có lẽ tấm ảnh này được chụp vào những năm đầu của TK XX.


Nhà thờ Chánh tòa ( còn gọi nhà thờ Con Gà) do trên nóc có biểu tượng con gà trống Gaulois. Nhà thờ nằm trên Rue du Mussé (đường Trần Phú ngày nay)



Nhà thờ Chánh tòa - ảnh chụp 1925



Bên trong nhà thờ Chánh tòa xưa. Người có râu dài có lẽ là cha cố đạo Vallet, người phác thảo tổng thể về kiến trúc của ngôi nhà thờ này.



Bên trong nhà thờ Tourane (nhà thờ chính) trong ngày lễ trọng 14 tháng 9 năm 1924.


Đường Bạch Đằng ( rue Courbet ) - Trụ sở của hãng Liên hiệp thương mại Đông Dương và Phi Châu (L'U.C.I.A) lập năm 1904- Về sau là trụ sở Tổng lãnh sự Hoa Kỳ trước 1975 - Sau năm 1975 là nhà trưng bày chứng tích tội ác ĐQM - Ngày nay là tòa nhà khách sạn Indochina River side - Ảnh cho thấy đây là con đường trung tâm của thành phố Đà Nẵng, nơi có bến tàu, đường hỏa xa và các tòa nhà lớn của các công ty thương mại. Một chiếc Renault 1927 của hãng Staca đang chở khách trên đường. Phía xa là những chiếc xe kéo và những cư dân lao động buôn gánh bán bưng trên vỉa hè. - OLD



Trại lính Pháp xưa- BCH Thành Đội Đà Nẵng bây giờ


Tòa Thị Chính Đà Nẵng 1970



Tòa Thị Chính và trụ sở Cty Shell xưa - Tòa nhà làm việc của UBND & HĐND thành phố Đà Nẵng bây giờ.


Chợ Cồn - Được xây dựng những khoảng năm 1940, trên một cồn đất cao giữa lòng thành phố, nơi đây nguyên là bãi phóng uế công cộng nằm trước Kho Đạn, cồn đất này sau đó được san bằng để làm ngôi chợ. Đây là ngôi chợ vào loại lớn, buôn bán sầm uất của Tp Đà Nẵng. Năm 1984 chính quyền thành phố đã cho xây lại chợ với tên là Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng nhưng nhân dân vẫn quen gọi là Chợ Cồn. Ảnh cho thấy cổng chợ nằm trên mặt tiền đường Khải Định (Ông Ích Khiêm bây giờ).



Chợ Cồn, Đà Nẵng 1949




Chợ Cồn



Bên trong chợ Cồn




Đà Nẵng 1945 - Trước chợ Hàn.



Chùa Pháp Lâm Đà Nẵng xưa




Chùa Vu Lan xưa, một ngôi cổ tự. Ngày nay chùa tọa lạc tại 84 Núi Thành, quận Hải Châu, tp. Đà Nẵng.



Tòa nhà này hiện nay vẫn còn giữ được kiến trúc như ban đầu (đường Bạch Đằng)



Nhà thờ và bệnh viện trong khuôn viên thành Điện Hải xưa.


Thành Điện Hải được xây dựng kiên cố vào năm 1823 (Minh Mạng) theo kiểu vauban, có thành cao 12 mét, nơi đây vào năm 1858 đã xẩy ra cuộc chiến đấu ác liệt giữa quân dân Đà Nẵng (do Thống chế Lê Đình Lý, rồi đến Thống chế Nguyễn Tri Phương chỉ huy) với liên quân Pháp - Tây Ban Nha .
Nhà thờ và Bệnh viện xưa (trong ảnh) được xây trên nền của thành Điện Hải - Ngày nay nhà thờ không còn nữa. Phần đất thấp, kế nhà thờ, nay là Công viên Phần mền và thành Điện Hải đang được trùng tu. Tại khu vực nầy khi xây dựng, người ta đã phát hiện nhiều loại vũ khí xưa.



Trẻ con trên vùng cát _ Sơn Trà ngày xưa! Không áo, không quần. Suốt ngày rông chơi trên cồn cát.



Đà Nẵng - lớp tiền bối.



Những người thợ điêu khắc gỗ ở làng Kim Bồng xưa - Những nghệ nhân tài hoa đất Hội An (Faifoo-Tourane)



Khách sạn Bưu chính và Điện tín trên đường Courbet (nay là Bạch Đằng) - Tòa nhà này mới đây đã bị phá bỏ và thay vào đó là một khách sạn cao tầng trên đường Bạch Đằng



Ngã tư Republique - Ferry - OLD (Hùng Vương - Trần Phú bây giờ)



Đường Courbet



"Ai đi trên đường cái Quan !" Route Mandarine - Nay là Quốc lộ số 1A, là con đường huyết mạch từ Bắc vào Nam - ảnh chụp năm 1908


Ải Vân Quan - chốt chặn quan trọng trên đường ra kinh thành Huế.



Một "ông Ba mươi" săn được ở chân núi Ải Vân.



Núi Ngũ Hành Sơn (ảnh chụp cách đây ngót 100 năm) với quang cảnh chùa cổ Tam Thai
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét